Phẫu thuật: Đặt đai củng mạc thế kỉ thứ 21: Sử dụng màn hình HUD và hệ thống chiếu sáng Chandelier

Trong video này, tiến sĩ Riemann sử dụng màn hình HUD 3D cải thiện kĩ thuật số và hệ thống đèn nội soi Alcon Chandelier để thực hiện phẫu thuật đặt đai củng mạc và áp lạnh trong điều trị bong võng mạc.

Phẫu thuật viên: Tiến sĩ Chris Reimann, viện mắt Cincinnati, Mỹ

Transcript

Tiến sĩ Reimann: Chẩn đoán bong võng mạc là một điều tồi tệ đối với bệnh nhân và cũng là một thách thức đối với các bác sĩ nhãn khoa kể từ khi Helmholtz giới thiệu đèn soi đáy mắt vào năm 1850. Lịch sử phát triển phẫu thuật bong võng mạc bắt đầu khi Jules Gonin chỉ ra rằng các lỗ rách gây bong võng mạc cần phải được hàn kín để phẫu thuật bong võng mạc thành công vào năm 1920. Jess lần đầu tiên sử dụng vật liệu để tạo thành một đai củng mạc tạm thời vào năm 1937, Custodis sử dụng đai củng mạc có thời gian tồn tại lâu vào năm 1949, đặt đai củng mạc kết hợp với soi đáy mắt gián tiếp và dẫn lưu dịch dưới võng mạc ra ngoài được thực hiện bởi Scapins vào những năm 1950, và Brockhurst và Linkhoff đã cho ra đời của đai củng mạc hiện đại cấu tạo từ silicone vào những năm 1960. Đặt đai củng mạc kết hợp với đèn nội nhãn Chanderlier được Liu thực hiện lần đầu vào năm 2006, và một lần nữa bởi Aras vào năm 2012.

Kể từ đó, nhiều báo cáo đã cho thấy kỹ thuật được triển khai thành công và các ưu điểm của kĩ thuật này. Với sự hỗ trợ từ kĩ thuật số, phẫu thuật dịch kính võng mạc kết hợp với màn hình HUD lần đầu được nhóm chúng tôi báo cáo vào năm 2010, và một lần nữa bởi Claus Eckardt vào năm 2013, và những người ủng hộ phương pháp này ngày càng gia tăng, trong đó bao gồm cả bản thân tôi. Video này sẽ cho thấy việc thực hiện phẫu thuật dịch kính võng mạc với sự hỗ trợ kĩ thuật số từ màn hình HUD khi phẫu thuật đặt đai củng mạc kết hợp đèn nội nhãn Chandelier giúp cải thiện kĩ thuật một cách mĩ mãn. Chúng tôi bắt đầu với việc mở kết mạc và bao Tenon, chúng tôi gặp phải tình trạng xuất huyết một chút do bệnh nhân có sử dụng aspirin.
Việc tắt đi hiển thị các pixel màu đỏ sẽ giúp loại trừ tình trạng “nhuộm đỏ” giúp tiếp tục cuộc mổ mà không cần đốt cầm máu. Việc cài đặt chế độ lọc màu đỏ giúp dễ dàng xác định các cơ trực, và phân biệt nó với bao Tenon. Việc bóc tách cơ trực sẽ không gây sang chấn và chính xác. Chúng tôi dùng đèn Chandelier 25 G của hãng Alcon vào nội nhãn tại vị trí cách 180 độ so với lỗ rách võng mạc, và đưa kính Merlin góc rộng vào vị trí quan sát. Phẫu trường quan sát thật tuyệt vời. Lỗ rách được xác định và đánh dấu bằng bút đánh dấu vô trùng và đốt nhẹ bề mặt. Mức độ chiếu sáng được chỉnh ở mức 35% với hệ máy Constellation.

Chúng tôi chuyển sang bước áp lạnh, điều mà mọi người trong phòng phẫu thuật đều có thể chứng kiến rất đẹp mắt. Không giống như việc chỉ có phẫu thuật viên đang nhìn hai mắt qua kính gián tiếp và người phụ mổ nhìn loáng thoáng qua lăng kính phụ. Tất cả những điều này đều không gây cong cột sống hình chữ C cũng như phải vận động toàn thân giống như khi sử dụng kính soi đáy mắt gián tiếp bằng hai mắt. Đây là cách tốt nhất để dạy học và thực hiện áp lạnh. Đầu của bệnh nhân được quay sang từng bên để quan sát võng mạc phía thái dương và phía mũi, và sinh hiển vi phẫu thuật được chỉnh nghiêng hướng vào hoặc hướng ra so với vị trí của phẫu thuật viên lên đến 45 độ, nhằm cải thiện mức độ quan sát võng mạc ngoại biên. Cách này giúp loại bỏ hoàn toàn việc phải kéo mạnh các cơ trực để xoay nhãn cầu. Quá trình áp lạnh kết thúc và kính phẫu thuật được đưa về vị trí ban đầu. Dịch bên dưới võng mạc vẫn còn nhiều. Bong võng mạc lan đến hoàng điểm. Một đai củng mạc cỡ 42 được luồn bên dưới các cơ trực, quan sát thấy qua sinh hiển vi phẫu thuật. Xuất huyết đã ngưng và do đó chúng tôi không dùng chế độ lọc ánh sáng đỏ. Một điều quan trọng cần nhớ là đai 42 không đối xứng hai mặt, với một mặt phẳng và một mặt cong. Mặt cong sẽ hướng về phía nhãn cầu. Vòng khóa thắt đai cỡ 70 được đặt ở phía thái dương trên.

Đai được thắt chặt cho đến khi đai trượt về phía trước và nằm tại vị trí bốn điểm bám tận của bốn cơ trực, phần đai dư được cắt bỏ. Một đoạn đai với độ dày gấp đôi được sử dụng nhằm hỗ trợ thêm cho chuỗi lỗ teo, rách khởi nguồn từ thoái hóa hàng rào, ở phía thái dương trên. Lúc này, nhãn áp sẽ trong khoảng từ 20 đến 25, và thị thần kinh sẽ không bị tổn thương. Sử dụng chỉ Nylon 5-0 với kim có hai cạnh sắc hai bên để cố định đai củng mạc vào nhãn cầu bằng các mũi khâu đệm ngang tại bốn góc phần tư. Hầu hết các thao tác để quan sát bốn góc phần tư đều do bệnh nhân, bằng cách phẫu thuật viên yêu cầu bệnh nhân xoay đầu và sinh hiển vi phẫu thuật sẽ được nghiêng hướng vào hoặc hướng ra so với vị trí của phẫu thuật viên một cách thích hợp.

Việc quan sát ở các vị trí quá tầm cũng dễ dàng vì chúng tôi thực hiện phẫu thuật mà không cần nhìn qua thị kính, và camera ghi hình thì không quan tâm đến vị trí cũng như sinh hiển vi phẫu thuật đang xoay như thế nào. Với nhiều mũi khâu được thực hiện, nhãn áp sẽ tăng lên, nhãn cầu trở nên cứng chắc sau mũi chỉ khâu cuối cùng. Mạch máu thị thần kinh và hắc mạc sẽ đập hay đóng lại. Một mũi chích dẫn lưu bằng kim 30 G được thực hiện nhằm dẫn lưu dịch dưới võng mạc ra bên ngoài, và cần giữ nhãn áp để tránh hạ nhãn áp sau phẫu thuật.
Sau khi đưa đèn Chandelier vào nội nhãn, chúng tôi nhận thấy gần như 100% dịch dưới võng mạc đã được dẫn lưu, lỗ rách đã hàn kín tại vị trí đặt đai củng mạc, và cầm máu nội nhãn tuyệt vời. 0,7cc khí SF6 nguyên chất được bơm vào để khôi phục thể tích nội nhãn, và chọc tiền phòng để hạ nhãn áp.
Mạch máu trên đĩa thị vẫn còn đập, và vì thế tưới máu tốt. Chỉ lụa được cắt bỏ và khâu củng mạc được thực hiện nhằm ngăn cho khí không thoát ra khi lấy đầu đèn. Chế độ lọc ánh sáng đỏ kĩ thuật số giúp việc đóng vết mổ trở nên dễ dàng. Bệnh nhân hiện tại đã 3 tháng sau phẫu thuật với thị lực là 20/25 với đục thủy tinh thể độ 1+, và đang rất hài lòng với điều chỉnh khúc xạ tối thiểu sử dụng một bên mắt (mini-monovision). Tôi không bao giờ thực hiện phẫu thuật đặt đai củng mạc theo cách cũ nữa. Xin cám ơn các bạn.

Phiên Bản 3D:

Last Updated: February 8, 2024

Leave a Comment