Phẫu thuật: Đặt van Ahmed

Video này mô tả phẫu thuật đặt van Ahmed thường quy qua đường mở vạt đáy ở cùng đồ. Bác sĩ Brandt tạo đường hầm củng mạc cho ống dẫn đi qua từ đĩa van tới tiền phòng.

Phẫu thuật viên: Bác sĩ James Brandt, Trường đại học California, Davis

Transcript

BÁC SỸ BRANDT: Đây là một bệnh nhân nam mà chúng ta sẽ thực hiện đặt một van Ahmed điều trị glôcôm. Bước đầu tiên trong bất kỳ phương pháp phẫu thuật điều trị glôcôm là thực hiện một nốt chỉ kéo và tôi thường đặt nốt chỉ này tại giác mạc ngoại vi. Với nốt chỉ khâu kéo, cần cẩn thận để không đâm xuyên toàn bộ chiều dày giác mạc vì bạn sẽ muốn giữ cho mắt tương đối căng. Nhiều phẫu thuật viên thích sử dụng một đường vào lớn tại rìa giác củng mạc. Nói cách khác là một vạt kết mạc có đáy ở cùng đồ để đặt các thiết bị này. Cách đây nhiều năm, tôi đã được dạy để thực hiện những điều này bằng cách sử dụng một đường vào tại rìa giác củng mạc. Nói một cách khác là thực hiện một đường mở vạt tại cùng đồ sâu. Tôi thấy rằng phương pháp này cho phép khâu kín hơn và bệnh nhân cũng cảm thấy thoải mái hơn. Sau khi đã thực hiện đường rạch này, tôi có thể sử dụng một dụng cụ kẹp kết mạc và chúng ta có thể bộc lộ góc phần tư thái dương trên. Tôi sẽ sử dụng kéo đầu tù để tách các cơ và các vùng còn dính ở đây. Đây là rìa của cơ trực trên và tôi đã di chuyển về phía trên hơn so với dự kiến ban đầu. Vì vậy, tôi sẽ điều chỉnh một chút và di chuyển xa hơn về phía thái dương. Bây giờ, chúng tôi đang sử dụng van Ahmed FP7.

Đây là một thiết bị được làm từ silicon dẻo. Cách thức hoạt động của thiết bị này là: ống dẫn lưu sẽ được đặt trong tiền phòng hoặc hậu phòng (trong trường hợp mắt đã được cắt dịch kính), và có một hệ thống van bao gồm hai tấm cao su silicon. Các lá van này có xu hướng dính vào nhau trong quá trình sản xuất, vì vậy, điều rất quan trọng là trong quá trình phẫu thuật đặt các thiết bị này, bạn phải bơm nước nhằm tách chúng ra. Và ở đây bạn có thể thấy rằng tôi đang đẩy khá mạnh nhằm ép chất lỏng đi qua hệ thống van. Và một khi các lá van không còn dính nhau nữa, bạn sẽ thấy chất lỏng chảy qua hệ thống và bạn biết rằng van không bị nghẹt. Nếu bạn chỉ đặt van mà không bơm nước qua hệ thống van, hai lá van vẫn dính nhau, dịch không thoát ra được thì việc đặt van sẽ thất bại ngay lập tức vì hệ thống van bị tắc nghẽn. Sau đó, thứ tiếp theo chúng ta cần là chỉ nylon 9.0. Tôi thường sử dụng chỉ nylon 9.0 hoặc 8.0. Điều quan trọng cần phải hiểu là nylon không phải chỉ khâu vĩnh viễn, nhưng không nhất thiết cần như vậy. Nó duy trì độ bền chắc trong khoảng 6 đến 9 tháng. Và tại thời điểm đó, đã có sẹo xung quanh vùng đặt van và thông qua các lỗ cố định đủ để giữ cho ống không di chuyển.

Khâu cố định van là một trong những phần khó nhất của quy trình phẫu thuật bởi vì bạn đang thao tác ở đáy của một cái lỗ. Và bây giờ tôi sẽ đẩy ống thông ra ngoài để nó không cản trở khi tôi tiến hành bóc tách về phía trước. Và một lần nữa, điều tôi vừa làm, theo một số người, là phần khó khăn và thử thách nhất của cuộc phẫu thuật. Tôi muốn vùi các nốt chỉ khâu này để chúng không thò ra ngoài và gây khó chịu cho bệnh nhân. Tôi xoay nó để nút thắt nằm bên trong lỗ cố định và bây giờ chúng ta có một ống thông khá dài. Tôi đang giải phóng một số vùng co kéo, bệnh nhân có rất nhiều xơ hóa ở đây. Vì vậy, tôi sẽ tiến hành bóc tách phần trước chủ yếu sử dụng kéo bóc tách đầu tù. Đẩy mọi thứ về phía trước, ngay dưới rìa. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tiến đủ về phía trước để đặt được ống dẫn lưu. Sẽ an toàn hơn khi sử dụng kéo bóc tách đầu tù so với kéo bóc tách đầu nhọn, bởi vì điều cuối cùng bạn muốn làm là tạo ra một lỗ nhỏ xuyên qua kết mạc. Lúc này, trước khi vào nội nhãn hoặc thực hiện bất cứ đường cắt nào vào nhãn cầu, tôi sẽ thực hiện một đường hầm phụ qua giác mạc ngoại biên. Điều này đảm bảo rằng tôi có thể tiếp cận tiền phòng nếu cần thiết.

Bây giờ tôi sẽ sử dụng dao bán nguyệt và tạo một vạt hoặc túi mà qua đó tôi sẽ đi vào nội nhãn. Tạo một đường hầm để ống dẫn lưu đi qua và điều tôi đang thực hiện ở đây là tạo hai đường hầm giao nhau. Tôi sẽ cắt ống dẫn lưu với độ dài thích hợp với mặt vát hướng lên trên. Điều này sẽ giúp ống dẫn lưu di chuyển dễ dàng hơn qua đường kim đi vào nội nhãn. Và bạn có thể thấy kim đi qua đây, qua đỉnh của đường hầm dài này và vào tiền phòng. Tôi thường sử dụng kim 23G dùng một lần. Ở những bệnh nhân trẻ hơn, đặc biệt là ở trẻ em, tôi sẽ sử dụng kim 25G dùng một lần. Củng mạc thường đàn hồi đủ để ta có thể đẩy ổng dẫn lưu thông qua một đường hầm tạo bởi kim 25G. Điều quan trọng là không được để ống dẫn lưu quá dài mặc dù có thể hữu ích nếu để ống dài hơn một chút ở trẻ em nhằm điều chỉnh phù hợp với quá trình phát triển của nhãn cầu. Một điều quan trọng là nếu bạn mới bắt đầu thực hiện phẫu thuật này, bạn nên làm trên các mắt đã đặt kính nội nhãn hoặc mắt không còn thủy tinh thể trước khi bạn phải đối mặt với nguy cơ chạm vào thủy tinh thể.

Nếu góc đóng nhiều hoặc có PAS (dính mống mặt trước chu biên), bạn có thể thực hiện phẫu thuật cắt mống chu biên thông qua giác mạc trong, ngay vùng bạn chuẩn bị đưa ống dẫn lưu vào nhằm đảm bảo rằng ống dẫn lưu cách xa khỏi giác mạc. Đưa ống dẫn lưu vào tiền phòng là một trong những phần khó khăn nhất của quy trình phẫu thuật. Điều quan trọng là ống dẫn lưu không được ở quá sâu trong tiền phòng bởi vì nếu ống cọ vào giác mạc sẽ khiến giác mạc mất bù. Và ở phần lớn các mắt này, chức năng của tế bào nội mô thường không ở trạng thái tốt nhất. Bây giờ chúng ta đã có thể thấy ống thông và hài lòng về vị trí của nó. Bây giờ, câu hỏi duy nhất được đặt ra là có cần phải đặt mảnh ghép lên trên hay không. Nhưng tại thời điểm này, tôi không nghĩ điều này là cần thiết. Chúng tôi thường đặt mảnh ghép là màng ngoài tim hoặc giác mạc, nhưng ống dẫn lưu đã được che phủ tốt bởi củng mạc của bệnh nhân, do đó tôi nghĩ không cần phải đặt thêm mảnh ghép.

Được rồi, tôi sẽ bắt đầu đóng vạt lại dùng chỉ vicryl 9-0 và tôi sẽ cho các bạn thấy phương pháp của tôi. Tôi thích đóng vạt theo hai lớp. Tôi khâu bao Tenon với các nốt chỉ khâu liên tục có khóa nhằm giữ chắc và giúp vết mổ kín nhất có thể. Và bây giờ, sử dụng cùng chỉ khâu, tôi đưa kim lên bề mặt kết mạc và sau đó thực hiện các nốt khâu liên tục đơn giản. Các nốt khâu liên tục có khóa tại bao Tenon được củng cố và làm giảm sức căng lên kết mạc. Bây giờ bạn có thể thấy ống dẫn lưu đang ở một vị trí rất tốt, bệnh nhân có bề mặt vạt trơn láng và sẽ lành tốt trong vài tuần tới. Bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu. Thường thì bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức xung quanh mắt và khó chịu khi mắt di chuyển bởi vì chúng ta đã kéo vào cơ và đặt một vật cứng vào góc phần tư này. Nhưng sự khó chịu này thường biến mất sau vài ngày. Tôi thường tiêm steroid và kháng sinh dưới kết mạc và cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh tra trong khoảng một tuần, sau đó tiếp tục sử dụng steroids trong ít nhất một hoặc hai tháng trước khi giảm dần liều steroids.

Phiên Bản 3D:

Last Updated: February 8, 2024

Leave a Comment